Trong chính sử Bát kiện tướng

Tám viên tướng trong đội hình đều được sử sách xác nhận là người có thật và cũng đều là tướng thuộc cấp của Lã Bố. Tuy nhiên họ được sử sách nhắc đến một cách đơn lẻ và chưa bao giờ cùng xuất hiện một chỗ hay được gọi gộp chung là một đội. Trong số đó thì Tang Bá không hẳn là tướng dưới quyền của Lã Bố mà là thủ lĩnh sơn tặc thuần phục trên danh nghĩa. Một điều nữa là: Cao Thuận, võ tướng mạnh mẽ và trung thành nhất của Lã Bố, mặc dù cũng xuất hiện trong tiểu thuyết nhưng không được liệt kê vào bát kiện tướng.

Số phận của các tướng trong chính sử lần lượt là:

  • Tháng 6 năm 196, Hác Manh phản lại Lã Bố tại Từ châu. Thuộc hạ của Manh là Tào Tính không chịu theo làm phản và dẫn quân chống lại Manh. Sau đó Hác Manh bị Cao Thuận giết còn Tào Tính không xuất hiện nữa.[4]
  • Cuối năm 198, Tào Tháo tiến quân đến đánh Lã Bố ở Hạ Phì. Bố bại trận, tướng Thành Liêm bị quân Tào bắt sống (có lẽ bị hành quyết sau đó).[5]
  • Tháng 2 năm 199, khi Lã Bố bị bao vây ở Hạ Phì, Hầu Thành, Tống Hiến và Ngụy Tục làm phản, bắt trói Trần Cung và Cao Thuận rồi mở cửa hàng Tào. Cả ba sau đó cũng không được sử sách nhắc đến nữa.[6]
  • Sau khi Hạ Phì thất thủ và Lã Bố bị giết, tướng Trương Liêu dẫn quân đến hàng,[7] còn Tang Bá sợ hãi bỏ trốn nhưng sau đó cũng được chiêu dụ. Cả hai đầu hàng Tào Tháo và trở thành các danh tướng nhà Tào Ngụy. Về sau, Trương Liêu mất năm 222 và Tang Bá mất năm 231.